Thư pháp Việt: trọng chữ, răn mình và hiếu đạo của người Việt

Trong truyền thống hiếu học của người Việt,“trọng chữ” hay “quý chữ” có ý nghĩa
hết sức đặc biệt. Ngày xưa, vào dịp tết cổ truyền, người Việt hay đi “xin chữ” ở
những người “hay chữ” như ông đồ hay người học cao hiểu rộng, văn hay chữ tốt
nhất trong làng để về treo nơi trang trọng trong nhà như một bức tranh để vừa trang
trí, cầu phúc và răn dạy bản thân và con cháu về hiếu nghĩa trong nhà.
Thư pháp là nghệ thuật thể hiện chữ viết và là phương tiện để bày tỏ tâm thức của
con người, có nguồn gốc từ Trung Hoa và đã được các nước Nhật Bản, Triều Tiên,
Việt Nam kế thừa và phát triển. Các bậc khoa bảng ngày xưa chọn một chữ, một
câu hay một bài thơ để thảo lên trang giấy là việc cẩn trọng, nhất trong dịp khai bút
đầu năm. Vì ngoài việc thể hiện nét bút tài hoa, nội dung một bức thư pháp còn cho
thấy kiến thức, tư tưởng, tâm hồn của người phóng bút.
Theo khái niệm “thư họa đồng nhất thể” thư pháp hỗ trợ cho hội họa và bản thân
một bức thư pháp cũng là một bức họa. Người Việt ta nói đến thư pháp cũng nên
nhắc đến bài thơ nổi tiếng trong làng thơ Việt Nam, bài “Ông Đồ” của Vũ Đình
Liên: “Hoa tay thảo những nét. Như phượng múa rồng bay”.
Theo một số nhà nghiên cứu, thư pháp chữ Việt hay thư pháp quốc ngữ được bắt
đầu từ nhà thơ Đông Hồ viết thư pháp Việt bằng bút sắt, về sau một số danh sĩ
(Nhất Linh, Vũ Hoàng Chương, Bùi Giáng, Từ Công Phụng, Trầm Tử Thiêng…)
viết một số bức in rải rác trên một số báo và tạp chí ở Sài Gòn trước năm 1975.
Sau năm 1975 do hoàn cảnh lịch sử, thư pháp Việt gần như bị quên lãng, đến giữa
thập niên 90 của thế kỷ trước lại hồi sinh, ở Sài Gòn xuất hiện nhiều câu lạc bộ thư
pháp Việt được nhiều người quan tâm, đặc biệt nở rộ vào cuối những năm 90 ở
Quận 1, Quân 5, Quận 10, Quận Phú Nhuận…Nhà sư Minh Đức Triều Tâm Ảnh,
Nguyệt Đình (Huế); Thế Mẫn, Công Khanh (Đà Nẵng); Lê Vũ ( Nha Trang)…
hưởng ứng và thành lập các câu lạc bộ thư pháp Việt đầu tiên ở miền Trung. Giai
đoạn này, có một hiện tượng nên nhắc đến là nhà thư pháp tài năng miền Trung
(Quảng Nam) Bùi Hiển đã khởi mào phong trào”Ông đồ xuống phố” độc đáo (và
cũng nhiều hệ lụy) ở Sài Gòn mà ta thấy cho đến hôm nay.

Chữ Latinh khá đơn điệu, tiếng Việt xuất phát từ chữ Latinh nên hiệu quả thẩm mỹ
của thư pháp Việt phụ thuộc rất lớn vào tài năng của người thể hiện. Ngay chữ
Hán, mặc dù có lợi thế tạo hình, nhưng không phải ai cũng có thể viết đẹp, nên với
chữ Việt càng khó khăn. Người viết thư pháp không chỉ có năng khiếu mà còn đòi
hỏi một quá trình học tập bài bản và khổ luyện với sự say mê, sáng tạo để thuyết
phục được công chúng.
Treo một bức thư pháp phù hợp trong nhà hay nơi làm việc có thể giúp tỉnh thức
những suy tưởng mê muội và động viên, cổ vũ tinh thần cho những dự định sắp tới
của bản thân, gia đình, bè bạn, đồng thời biểu hiện lễ nghi, sự hàm dưỡng đạo đức
và tâm hồn của gia chủ.
Tặng tranh thư pháp không đơn thuần là tặng một món quà để trang trí, treo trong
nhà mà còn hàm chứa một thông điệp, một lời khuyên, nhắn nhủ, động viên thâm
thúy và đầy ý nghĩa.
Xét về phong thủy, treo bức thư pháp phù hợp trong nhà sẽ mang đến nhiều điều
may mắn, hạnh phúc và thành công trong cuộc sống.
Hiện nay, thư pháp Việt đã hòa vào mạch sống của văn hóa dân tộc, có giá trị về
đạo đức, giáo dục và nghệ thuật.. Chơi thư pháp, thưởng lãm thư pháp Việt không
nên chỉ có tính phong trào mà cần đồng lòng phát triển thành một môn nghệ thuật
đặc thù, chuyên nghiệp, biểu hiện được cái đẹp, cái hồn của chữ Việt và tiếng Việt
hiện đại.
Với sứ mệnh góp phần giữ gìn, tôn tạo và phát huy các giá trị văn hóa Việt qua các
sản phẩm thủ công mỹ nghệ, Mỹ Nghệ Việt thời gian qua đã có nhiều nổ lực kết
nối và truyền bá, xin được hân hạnh giới thiệu Trung tâm thư pháp Việt của Mỹ
Nghệ Việt là cầu nối đáp ứng các nhu cầu khám phá, thưởng lãm, quà tặng của quý
vị về các trường phái, phong cách độc đáo của thư pháp Việt để cùng chung tay vì
sự trường tồn của tinh thần Việt, văn hóa Việt.

Quận 1, Sài Gòn, mùa hạ 2013.
Bảo Trâm

CÁC BÀI VIẾT NỔI BẬT

Các sản phẩm đặc biệt

Video

TƯ VẤN KHÁCH HÀNG